slide homeslide homeHome slide

tin tức

Xuất khẩu tôm Việt Nam: Bất ngờ thị trường Australia, dẫn đầu vào Nhật

 Xuất khẩu tôm bắt đầu chuyển sang gam sáng, sau những tháng sụt giảm đầu năm.

 

Chế biến tôm tại nhà máy Minh Phú Cà Mau (Ảnh minh họa)
Quý 1/2021, xuất khẩu thủy sản đạt 1,733 tỷ USD; riêng tôm đạt 661,172 triệu USD, tăng 5,18% so với cùng kỳ 2020. Dự báo, xuất khẩu thủy sản quý II sẽ tăng 10%, trên 2,1 tỷ USD; riêng xuất khẩu tôm dự báo tăng 10% và đạt 980 triệu USD.
Xuất khẩu tôm trong quý I/2021 đạt trên 661 triệu USD, tăng trên 5%. Mức tăng nhẹ này chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu 16,5% trong tháng 3. Xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU, Australia,... tăng mạnh trong tháng 3 (tăng lần lượt 49%, 27%, 37%), khiến bức tranh xuất khẩu tôm quý I chuyển gam sáng sau khi kết quả 2 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn VASEP
Bất ngờ thị trường Australia
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đến hết quý I/2021, Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam với trên 20%, đạt 134,6 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhật Bản đứng thứ 2 với 126 triệu USD, chiếm 19%, nhưng so với cùng kỳ năm 2020 giảm 4%, do sụt giảm mạnh 2 tháng đầu năm, dù xuất khẩu trong tháng 3 tương đương với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Australia đang chiếm tỷ trọng đáng quan tâm trong tổng xuất khẩu tôm 3 tháng đầu năm nay với 6,2%, trị giá 40,9 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020.
VASEP cho biết, quý 1/2021, xuất khẩu tôm sang một số thị trường tăng trưởng đáng kinh ngạc so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có xuất khẩu sang thị trường Australia.
Tính đến nửa đầu tháng 4/2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Australia đạt 47,4 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020.
Là thị trường xuất khẩu tôm tiềm năng trong khối thị trường CPTPP, trong hai năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu tôm (nhất là tôm chân trắng) sang thị trường Australia rất khả quan. Trong quý 1/2021, có hơn 20 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tôm sang thị trường này, trong đó lớn nhất là Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang.
Sản phẩm tôm xuất khẩu sang Australia trong quý I/2021 cũng khá đa dạng, chủ yếu là sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú đông lạnh (HS 03061721 và 03061722): tôm chân trắng tươi PDTO đông lạnh, tôm chân trắng tươi, lột vỏ, bỏ đầu, còn đuôi, tôm sú PD tươi, đông lạnh, thịt tôm mũ ni, tôm mũ ni nguyên con. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xuất khẩu sản phẩm tôm khô (HS 03069530) sang Australia…
Theo thống kê mới nhất của ITC, hai tháng đầu năm 2021, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Brunei là 5 nguồn cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Australia; trong đó Việt Nam là thị trường lớn nhất, chiếm đến 65% tổng giá trị tôm nhập khẩu.
Mặc dù giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước đối thủ từ 1 - 2,71 USD/kg nhưng tôm Việt Nam đang cạnh tranh rất tốt tại thị trường này.
Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu tôm vào Nhật Bản
Tính đến nửa đầu tháng 4/2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đạt 154,2 triệu USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cho tới nay, Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu tôm sú lớn nhất của Việt Nam nhưng trong bối cảnh diễn biến Covid ngày càng phức tạp, nước này giảm nhập khẩu tôm sú giá cao và tiếp tục tăng nhập khẩu lượng tôm chân trắng với giá cả phù hợp hơn.
Trong năm 2020 và quý 1/2021, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn hơn hết trong cơ cấu xuất khẩu tôm sang Nhật Bản (gần 63,1%), tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn giá trị tôm sú sống, tươi, đông lạnh (HS03) giảm 30%, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến (HS16) giảm 10,2%.
Nhật Bản là thị trường có giá nhập khẩu tôm cao nhất thế giới, nhưng trong năm 2020 nước này đã giảm giá trị nhập khẩu một cách đáng kể. Sự sụt giảm này tác động mạnh tới hai thị trường cung cấp tôm lớn cho Nhật Bản là Việt Nam và Thái Lan. Giá trị nhập khẩu tôm của Nhật Bản từ các nguồn cung lớn đều giảm: Việt Nam (-3,5%); Thái Lan (-16,7%); Indonesia (-3,5%); Ấn Độ (-6,3%).
Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Nhật Bản, tháng 2/2021 nhập khẩu tôm của Nhật Bản đạt 15,2 nghìn tấn, trị giá 15,69 tỷ Yên (tương đương 144,1 triệu USD), tăng 18,6% về lượng và tăng 5,3% về trị giá so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu tôm của Nhật Bản đạt 31,6 nghìn tấn, trị giá 32,9 tỷ Yên (tương đương 302,5 triệu USD), giảm 1,9% về lượng và giảm 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá nhập khẩu trung bình tôm vào Nhật Bản trong tháng 2/2021 ở mức 1.031 Yên/kg (tương đương 9,47 USD/kg) giảm 130 Yên/kg (tương đương giảm 11,2%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu tôm trung bình từ Việt Nam vào Nhật Bản tháng 2/2021 đạt 1.109 Yên/kg (tương đương 10,19 USD/kg), giảm 102 Yên/kg so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương giảm 8,4%).
Tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu tôm của Nhật Bản từ Việt Nam đạt 7,76 nghìn tấn, trị giá 8,68 tỷ Yên (tương đương 79,7 triệu USD), tăng 4,9% về lượng, nhưng giảm 2,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần tôm của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng từ 23% trong 2 tháng đầu năm 2020, lên 24,6% trong 2 tháng đầu năm 2021.

Nguồn :NGUYỄN HUYỀN

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email
Liên Kết
  CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ SINH HỌC XANH
Địa chỉ:  24-26 đường 2A, KDC Dương Hồng Garden House, Nguyễn Văn Linh, Bình Hưng, Bình Chánh, HCM
Điện Thoại: 0976543399 - 028 2253 9517, 028 2253 9518

Email: info@greenbiotech.vn
Website: greenbiotech.com.vn, greenbiotech.vn

 

© Copyright 2008 GREEN BIOTECH. All rights Reserved

Design Thiet ke Web By Vihan