slide homeslide homeHome slide

tin tức

Xuất khẩu tôm 2021: Dự báo tăng trưởng lạc quan

 Xuất khẩu tôm những tháng đầu năm 2021 tăng trưởng cả về thị trường và kim ngạch, các chuyên gia dự báo, ngành hàng này sẽ có bước đột phá mạnh mẽ trong năm nay.

 Nhiều thị trường tăng nhập khẩu tôm Việt Nam

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đánh giá, qua một năm bị dịch Covid-19 chi phối, cơ cấu thị trường tôm xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Hai tháng đầu năm nay, có 67 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam, so với cùng kỳ năm ngoái là 63 thị trường. Trong đó, có nhiều thị trường tăng nhập khẩu tôm Việt Nam với mức tăng đột phá như: Australia tăng 115%; Bỉ tăng 139%; Nga tăng 109%; Chile tăng 325%; Campuchia tăng gấp 30 lần…

Đáng chú ý, sự tăng tốc xuất khẩu tôm sang Australia đã đưa thị trường này từ vị trí thứ 10 vào Top 4 thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai tháng đầu năm 2020, có 35 công ty tham gia xuất khẩu sang thị trường này, sau 1 năm đã có thêm 12 công ty nữa cùng xuất khẩu sang Australia. Trong đó, riêng Minh Phú đã chiếm 37% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia và có doanh số tăng vọt 159% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Minh Phú còn có các doanh nghiệp như: Cases, Agrex Sài Gòn, SEAVINA, Thủy sản Quang Minh….

Xuất khẩu tôm sang Australia tăng trưởng ngoạn mục chủ yếu nhờ tôm chân trắng tăng 192% và chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu tôm, trong khi đó, xuất khẩu tôm sú giảm 3,7% và chỉ chiếm 1,4%, còn lại các loại tôm khác chiếm 6,5% và giảm 2% xuất khẩu. Ngoài các sản phẩm truyền thống, 2 tháng đầu năm nay, Australia nhập khẩu nhiều tôm khô của Việt Nam, trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái thị trường này không nhập khẩu tôm khô.

Về kim ngạch xuất khẩu, theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2021 xuất khẩu tôm của cả nước đạt 25,3 nghìn tấn, trị giá 220,03 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 17,5% về trị giá so với tháng 1/2020. Một số sản phẩm có tăng trưởng vượt trội như tôm chân trắng chế biến (PTO, PDTO…) tăng 47% và chiếm 9% giá trị xuất khẩu; tôm chân trắng tươi/đông lạnh bỏ đầu, block, PTO, PDTO (mã HS 03061721) tăng 39% và chiếm 7,4%, chả cá, surimi (mã HS 0304990) tăng 58% và chiếm 6,8%; tôm chân trắng lột vỏ, bỏ đầu PD tươi/đông lạnh (mã HS 03061722) tăng 56% và chiếm 5,2%.

Cơ hội thị trường rộng mở

Dữ liệu thương mại Thủy sản của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho thấy, nhập khẩu tôm của Mỹ tiếp tục tăng trong năm 2021. Trong tháng 1/2021, Mỹ đã nhập khẩu 69.653 tấn tôm trị giá 601,6 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 6% về giá trị so với tháng 1/2020. Giá nhập khẩu trung bình của Mỹ ở mức 8,64 USD/kg, giảm 1% so với mức 8,69 USD/kg vào tháng 1/2020 và giảm 3% so với mức 8,89 USD/kg vào tháng 12/2020. Đầu năm mới dường như có sự tiếp nối của xu hướng tăng trong hầu hết năm 2020. Mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các nhà hàng, khối lượng và giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 trừ tháng 5 và tháng 11 và kết thúc năm 2020 tổng nhập khẩu tôm đạt 747.921 tấn, trị giá 6,5 tỷ USD, tăng 7% cả về lượng và giá trị so với năm 2019.

Tôm là mặt hàng chủ lực của thuỷ sản Việt Nam, xuất khẩu tôm đang chiếm tới 45% kim ngạch xuất khẩu của thuỷ sản cả nước và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, nhập khẩu tôm vào Mỹ năm 2021 sẽ tiếp tục tăng đạt mức vượt 800 nghìn tấn với trị giá ở mức 7,78 tỷ USD, tăng 1,2% về lượng và 1,2% về trị giá so với năm 2020. Cơ cấu thị trường cung cấp tôm cho Mỹ cũng sẽ có sự thay đổi mạnh trong năm 2021, phụ thuộc nhiều vào diễn biến và khả năng kiểm soát dịch của các nhà cung cấp tôm trên thế giới.

Đối với thị trường Nhật Bản, năm 2020, Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản chiếm 25,13% về lượng và 26,54% về trị giá, đạt 55,05 nghìn tấn với trị giá 64,4 tỷ Yên, tương đương 608 triệu USD, giảm 5,3% về lượng và giảm 7,6% về trị giá so với năm 2019. Mức giá trung bình nhập khẩu tôm từ Việt Nam năm 2020 đạt 1.170 Yên/kg, giảm 28,77 Yên/kg so với năm 2019. Mức giá này là cao nhất trong nhóm 3 thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chỉ thấp hơn một chút so với nhà cung cấp lớn thứ 4 là Thái Lan.

Dự báo, dịch Covid – 19 sẽ không còn tác động mạnh tới nhập khẩu tôm của Nhật Bản. Nhập khẩu tôm của Nhật Bản trong năm 2021 sẽ tăng nhe đạt 225 nghìn tấn với trị giá 250 tỷ Yên, tăng 2,7% về lượng và tăng 3% về trị giá so với năm 2020. Trong đó Việt Nam vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản.

Trong khi đó, theo cam kết trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu nhập khẩu vào thị trường Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10 - 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng Tôm tại thị trường này.

Để đón đầu cơ hội thị trường, ngay đầu năm 2021, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã khai trương nhà máy chế biến tôm An An tại Tiền Giang, có khuôn viên gần 3 ha với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng, công suất chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm/ngày, kho lạnh công suất 3.000 tấn. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng có kế hoạch cuối quý I/2021 sẽ khởi công 2 nhà máy chế biến lớn tại Hậu Giang và Cà Mau, công suất chung gần 50.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Đồng thời Minh Phú còn có kế hoạch xây thêm nhà máy chế biến tôm ở tỉnh Kiên Giang. Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX) cũng tranh thủ thời cơ với việc xây dựng 2 nhà máy chế biến tôm trong Khu công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng, thi công cùng lúc từ trong năm 2020, công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng….

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 339/QĐ-TTg, về việc phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt từ 3,0 - 4,0%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước 9,8 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt từ 14 - 16 tỷ USD. Dự thảo Chiến lược cũng chú trọng lĩnh vực nuôi thủy sản, gồm: tôm, cá tra, cá biển...

Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản xuất khẩu, trong việc đầu tư vào ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để phục vụ việc nuôi trồng và chế biến, chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm thủy sản chủ lực, trong đó có ngành hàng Tôm... Đồng thời, bám sát các cơ hội từ FTAs mang lại.. Các chuyên gia dự báo, năm 2021 là điểm khởi đầu cho một thập niên thuỷ sản Việt Nam nói chung và ngành Tôm nói riêng sẽ tăng tốc và có tốc độ phát triển tốt hơn.

Nguyễn Hạnh

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email
Liên Kết
  CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ SINH HỌC XANH
Địa chỉ:  24-26 đường 2A, KDC Dương Hồng Garden House, Nguyễn Văn Linh, Bình Hưng, Bình Chánh, HCM
Điện Thoại: 028 2253 9517, 028 2253 9518

Email: info@greenbiotech.vn
Website: greenbiotech.com.vn, greenbiotech.vn

 

© Copyright 2008 GREEN BIOTECH. All rights Reserved

Design Thiet ke Web By Vihan