Thời gian qua, do bế tắc đầu ra nên diện tích thả nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bị thu hẹp dần. Từ đó, để khôi phục lại nghề nuôi loài cá đầy tiềm năng này, đòi hỏi giữa người dân và doanh nghiệp cần tạo niềm tin, nhất là tiến tới chuỗi liên kết tiêu thụ mang tính lâu dài.
Còn nhiều bất lợi
Ông Nguyễn Hùng Chiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, thông tin: Xét về vị trí và thổ nhưỡng, thị xã Ngã Bảy rất phù hợp phát triển nghề nuôi cá tra. Từ đó, địa phương đã sớm có quy hoạch vùng nuôi cá tra trên 100ha. Nhưng diện tích thả nuôi ở địa phương đang thu hẹp dần, hiện còn khoảng 30ha, giảm 50% so với thời gian trước đây. Điều này là do không ít hộ nuôi kém may mắn, xuất bán ngay đợt giá cá lao dốc, thấp hơn giá thành sản xuất, dẫn đến thua lỗ. Trong khi việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng gặp khó nên nhiều hộ dân buộc phải “treo ao”.
Còn ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Đại Thắng, ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, cho hay: Chấp nhận nuôi cá là phải chịu rủi ro. Song, chúng tôi không ngại, chỉ lo là nuôi cá mà đầu ra thiếu ổn định. Nhất là đến thời điểm chuẩn bị xuất bán nhưng chẳng có thương lái đến hỏi mua nên buộc phải thả nuôi cầm chừng. Chưa kể, người dân khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, dù cho chúng tôi đóng lãi và trả vốn đúng kỳ hạn, không để nợ kéo dài. Nếu cứ đà này thì tới đây, chẳng còn mấy người có đủ khả năng thả nuôi tiếp.
“So với nghề khác, nuôi cá tra cần vốn nhiều, đào ao sâu rộng. Vì vậy, không còn tiền tái đầu tư thả cá, gỡ vốn xem như là hết. Bởi, ao cá đào xong đã trở thành vùng đất “chết” nên chỉ còn cách thả cá tạp, sống qua ngày, chứ chẳng thể trồng trọt được gì nữa”, anh Đoàn Văn Lâm, ở ấp Đông An 2, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ. Từ đó, để hạn chế rủi ro lớn, anh Lâm thường thả nuôi với số lượng ít, khoảng 2 ao (5.000m2). Hiện đàn cá tra nhà anh đạt trọng lượng từ 300-400 gram/con. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu cá tra đang trầm lắng, thương lái không vào mua đã khiến anh đứng ngồi không yên.
Tại buổi làm việc tìm phương án liên kết, tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh do ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức mới đây, ông Ngô Quang Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông Hậu Giang, đánh giá: Hậu Giang có tiềm năng và lợi thế phát triển mạnh nghề nuôi loại cá này. Nhưng vài năm gần đây, chịu sự ảnh hưởng chung của thị trường xuất khẩu cá tra trong nước đã làm cho không ít người nuôi lận đận, thậm chí đổ nợ, treo ao. Cho nên, tới đây, để tạo sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, trước mắt, về phía công ty sẽ giúp cho 30ha cá tra đang bị “treo ao” ở thị xã Ngã Bảy có đầu ra ổn định.
Cần tạo niềm tin
“Về lâu dài, chúng tôi tha thiết đề nghị cả doanh nghiệp và người dân tạo vững niềm tin. Đồng thời, chính quyền địa phương có thể tạo hành lang pháp lý bằng cách rà soát lại những hộ nuôi uy tín, đam mê theo nghề thì công ty sẽ đầu tư 50% vốn để hộ nuôi tiếp tục tái đầu tư thả nuôi. Tuy nhiên, với điều kiện, người nuôi phải lấy thức ăn và sử dụng thuốc từ công ty. Ngoài ra, phương án khác, công ty chúng tôi sẽ hỗ trợ 10% vốn cho người dân thả nuôi theo ý muốn của mình, nhưng phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thu mua với giá ấn định ban đầu là 21.000 đồng/kg cá tra thương phẩm”, ông Trường nhấn mạnh.
Từ những giải pháp thiết thực nêu trên, ông Phạm Minh Hùng, hộ nuôi cá tra lâu năm ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, phấn khởi tâm sự: Trong bối cảnh khó khăn chung, Công ty Thủy sản Biển Đông đề ra phương án như vậy là quá tốt. Qua đây, chúng tôi có thêm cơ hội mới để phát triển. Song, chỉ cần thức ăn và thuốc doanh nghiệp đảm bảo về chất lượng, dù giá cá tra thương phẩm là 21.000 đồng/kg, chúng tôi cũng có thể sống được. Bởi, đa phần những người trụ tới thời điểm này, đều có thể tự điều chỉnh lượng thức ăn và phòng trị bệnh phù hợp với tốc độ phát triển của cá, góp phần hạ giá thành sản xuất”.
Theo ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Hậu Giang, nếu như hộ dân có nhu cầu nuôi và vay vốn thật sự thì chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu vốn của bà con bằng cách giới thiệu các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh để tiếp tục đầu tư tái sản xuất. Muốn vậy, người nuôi cá tra phải có phương án, chiến lược kinh doanh khả thi, đặc biệt, liên kết với Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông Hậu Giang. Tuy nhiên, nếu người dân đã quen với cách vay từ Ngân hàng NN&PTNT, chúng tôi sẽ tham mưu lên UBND tỉnh để có chính sách giải quyết phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: Từ sự đồng thuận liên kết của Công ty Thủy sản Biển Đông là điều đáng quý. Về phía ngành chuyên môn và người nuôi trong tỉnh rất phấn khởi và tiếp tục phát triển loài cá mang tầm chiến lược này. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi, trước mắt, phía địa phương cần rà soát lại diện tích nuôi cá tra cụ thể nhằm đề ra phương án quy hoạch vùng nuôi cá tra cho sát hợp. Từ đó, sẽ thiết lập hành lang pháp lý vững chắc, doanh nghiệp sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ, liên kết, giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định kinh tế gia đình.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, tính đến tháng 8-2016, tổng diện tích thả nuôi cá tra trên địa bàn Hậu Giang khoảng 75ha, trong đó, diện tích thả nuôi mới là 47ha, thả nuôi lưu vụ gần 29ha, giảm hơn 35ha, so với năm 2015.
Tel: | (028) 2253 9517 |
(028) 2253 9518 |
|
Hotline: |
096 105 4610 |
Email: |
info@greenbiotech.vn |
© Copyright 2008 GREEN BIOTECH. All rights Reserved
Design Thiet ke Web By Vihan