slide homeslide homeHome slide

tin tức

Thương hiệu cá tầm dưới tán rừng

 Ngày 15/1, khi tôi viết về cơ sở nuôi cá tầm ở Lâm Ðồng thì ông chủ Nguyễn Văn Toản đang có mặt ở Ðắk Lắk xây dựng cơ sở thứ 2 và chuẩn bị thả cá giống. Còn ở Lâm Ðồng, bên dòng suối trong veo, một chiếc đập được ngăn lại giữ nước lọt giữa thung lũng rừng xanh là nơi sinh sống của hàng triệu con cá tầm đủ các lứa tuổi…

                 

Hệ thống hồ cá tầm đã và đang đạt trọng lượng thu hoạch. Ảnh: M.Ðạo
Nuôi cá như nuôi con mọn
Anh Nguyễn Văn Toản quê ở Nam Định, 41 tuổi, đến với nghề nuôi cá nước lạnh từ 7 năm về trước. Sục sạo khá nhiều vùng đất ở các tỉnh Đông Nam bộ, năm 2013, anh Toản chính thức lựa chọn vùng đất dưới chân núi Lang Biang khá hẻo lánh, cách Đà Lạt 20 km ở Lạc Dương, Lâm Đồng làm cơ sở nuôi cá tầm của anh. Và bây giờ, anh đã trở thành ông chủ của thương hiệu nổi tiếng “Cá tầm suối Đà Lạt Trường Toàn”. Rất bài bản và tươm tất, nhưng anh nói với tôi, đã từ chối làm điểm tham quan du lịch khi chính quyền huyện đặt vấn đề.
Vì không hề có một bảng tên dẫn đường, tôi phải nhờ một cán bộ kiểm lâm địa bàn của huyện Lạc Dương mới lần tìm ra cơ sở nuôi cá tầm của anh Toản. Khu đất này được anh mua từ đầu năm 2014, thuộc thôn Đạ Nghịt, xã Lát. Tiếp tôi là anh Vũ Văn Sáng (58 tuổi), người được giao quản lý điều hành trang trại và nhóm lao động trên dưới 10 người.
Quy mô trang trại hiện nay bao gồm: 30 bể ươm cá giống và 82 bể nuôi cá thương phẩm trên diện tích khoảng 15.000 m2. Năm 2016, tổng sản lượng cá tầm của cơ sở Trường Toàn đạt 250 tấn.
Để được sản lượng và chất lượng cá tầm tốt, chủ trang trại Nguyễn Văn Toản và các cộng sự đã bỏ rất nhiều công sức và kinh phí đầu tư. Trước hết, trứng cá tầm được nhập khẩu từ 2 nước Đức và Nga, khi về trang trại phải cất ủ ở nhiệt độ ổn định 15 - 16 độ C; còn nguồn nước luôn lưu thông để tạo áp lực liên tục trong 75 ngày. Khi cá tầm nở, tiếp tục được đưa vào các hồ có mái che, kín gió và cường độ ánh sáng rất hạn chế, đặc biệt luôn giữ vệ sinh môi trường sống bằng việc không cho người bên ngoài vào... Thức ăn tổng hợp của cá cũng mua từ nước ngoài về mới đảm bảo đủ dinh dưỡng và độ an toàn cao. Anh Sáng cho biết: “Thấy vậy chứ nuôi cá tầm không đơn giản chút nào đâu, phải trực 24/24 giờ. Cần nhiều yếu tố lắm, nào đủ lượng ô xy, nhiệt độ thấp ổn định; nào luôn thay nhau theo dõi diễn biến, nước vào nước ra làm sao cá không bị ngợp…”. Chỉ riêng khâu cho ăn cũng rất công phu. Ban đầu, cứ mỗi giờ cho cá ăn 1 lần, cá 10 ngày tuổi 2 giờ cho ăn 1 lần; 20 ngày tuổi 3 giờ cho ăn một lần... và đêm cũng như ngày. Khi con cá đạt trọng lượng khoảng từ 50 - 60 gram mới được vợt chuyển ra hồ lớn bên ngoài. Lúc này, cứ 6 giờ lại phải cho cá ăn, bất kể nắng hay mưa… Có đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật như vậy thì cá mới lớn nhanh, khoảng 1 năm rưỡi cá đạt trọng lượng từ khoảng 1,8 kg trở lên. Lúc này đã có thể gọi là cá thương phẩm, thu hoạch cung cấp cho người tiêu dùng. “Nhưng để có trọng lượng 3 kg phải nuôi mất 3 năm ròng”, anh Sáng nhấn mạnh.
Làm chủ thị trường bằng mô hình liên kết
Tình trạng chung của hàng nông sản Việt Nam thường bị hàng Trung Quốc chèn ép giá, vì vậy, anh Nguyễn Văn Toản kêu gọi các cơ sở nuôi cá tầm ở Lâm Đồng liên kết lại. Và anh đứng ra chịu trách nhiệm bao tiêu đầu ra để giữ được thương hiệu về chất lượng cá tầm nội địa. Theo đó, tất cả sản phẩm cá tầm Đà Lạt đều được cơ sở của anh Toản mang về gắn tem ghi rõ xuất xứ để chống hàng giả khi đưa ra thị trường. Nhờ vậy, trên thị trường tiêu dùng, nhất là thị trường lớn như thành phố Hồ Chí Minh, thương hiệu “Cá tầm suối Đà Lạt Trường Toàn” luôn đứng đầu bảng lựa chọn của khách hàng. Đây là mô hình tiên phong trong quy trình nuôi và đưa sản phẩm cá tầm ở Việt Nam tự tin bước ra thị trường một cách bền vững, rất cần được áp dụng đối với các sản phẩm nông nghiệp khác.
Anh Vũ Văn Sáng cho biết thêm: Hiện giá bán tại cơ sở nuôi khoảng 150 ngàn đồng/kg đối với giá sỉ và 170 ngàn đồng/kg đối với giá bán lẻ. Tại cơ sở nuôi Đạ Nghịt vào thời điểm này có khoảng 200 ngàn con cá tầm giống 30 ngày tuổi. Số cá này sau 2 tháng nữa mới đưa ra hồ lớn, khi đã đảm bảo về sức khỏe. Vì sức hút của thương hiệu “Cá tầm suối Đà Lạt Trường Toàn” ngày càng mạnh, anh Nguyễn Văn Toản quyết định tiếp tục đầu tư tại huyện Krông Bông tỉnh Đắk Lắk. Ngay đầu năm 2017, anh và các cộng sự đang triển khai theo hình thức cuốn chiếu, vừa đầu tư mở rộng vừa nuôi thả cá tầm tại cơ sở mới này. Dù là vị trí không phải ở Đà Lạt - Lâm Đồng, nhưng với điều kiện khí hậu - thổ nhưỡng tương đương và với tất cả những kinh nghiệm về kỹ thuật, trách nhiệm với sản phẩm, ông chủ Nguyễn Văn Toản vẫn kiên định giữ cho được thương hiệu cá tầm của mình khi sản phẩm cá ở tỉnh Đắk Lắk xuất đi. Hiện thực đó sẽ được minh chứng vào giữa năm 2018, cũng là mô hình trong chuỗi của liên doanh, liên kết phát triển thương hiệu sản phẩm cá tầm Đà Lạt, Lâm Đồng.
MINH ÐẠO

 

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email
Liên Kết
  CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ SINH HỌC XANH
Địa chỉ:  24-26 đường 2A, KDC Dương Hồng Garden House, Nguyễn Văn Linh, Bình Hưng, Bình Chánh, HCM
Điện Thoại: 028 2253 9517, 028 2253 9518

Email: info@greenbiotech.vn
Website: greenbiotech.com.vn, greenbiotech.vn

 

© Copyright 2008 GREEN BIOTECH. All rights Reserved

Design Thiet ke Web By Vihan