slide homeslide homeHome slide

tin tức

Nuôi tôm an toàn sinh học: Hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả sản xuất

 Từ hiệu quả mô hình nuôi tôm xen cua, cá an toàn sinh học (ATSH) tại huyện Tuy Phước và Hoài Nhơn, năm 2017 ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định tiếp tục hỗ trợ người dân nhân mô hình ra diện rộng, nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất.

                  

Người dân thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (Tuy Phước) xử lý nước trong ao nuôi trước khi thả tôm giống. Ảnh: T.Sỹ
Hiệu quả bước đầu
Trong khuôn khổ Dự án (DA) Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD), năm 2016 ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng các mô hình nuôi tôm xen cua, cá ATSH tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng và thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (Tuy Phước); thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn). DA đã hỗ trợ kinh phí xây dựng kênh cấp thoát nước, hệ thống xử lý chất thải và hệ thống điện phục vụ nuôi trồng thủy sản. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ một phần chi phí về thức ăn, con giống và được hướng dẫn quy trình tạo ao nuôi, cách xử lý nước, mật độ con giống tôm nuôi xen cá, cua, quản lý dịch bệnh, cách ghi chép nhật ký nuôi tôm.
Các khâu nói trên đều được người dân thực hiện nghiêm túc, dưới sự kiểm tra, giám sát của Ban quản lý vùng nuôi tại các địa phương. Những khó khăn vướng mắc nảy sinh trong quá trình nuôi tôm cũng đã được khắc phục, xử lý kịp thời, nên các mô hình nuôi tôm xen cá ATSH tại các địa phương đều đạt hiệu quả cao.
Ông Đặng Minh Đồng, ở thôn Đông Điền, tham gia mô hình, cho biết: “Gia đình tôi có 2 ao nuôi tôm với diện tích 8.000 m2. Trước đây, tôi sử dụng cả 2 ao để nuôi tôm sú, nhưng không hiệu quả. Năm 2016, theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp tỉnh và huyện, tôi chỉ sử dụng 1 ao 5.000m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng, mật độ 30 con/m2 và 1.000 cá rô phi đơn tính; ao còn lại sử dụng để làm ao lắng. Kết quả, sản lượng tôm thu được khoảng 1,4 tấn và 1 tạ cá, thu nhập trên 150 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với năm trước”.
Ông Đặng Văn Ty, cũng ở thôn Đông Điền cũng thành công khi áp dụng quy trình nuôi tôm xen cá ATSH. Năm 2016, trên diện tích 4.000 m2 ông thả nuôi tôm và cá giống, thu nhập trên 233 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. “Quy trình nuôi tôm xen cá ATSH dễ áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tôi đang cải tạo ao để tiếp tục thả nuôi vụ mới.”- ông Ty cho biết.
Ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Trước đây, môi trường nước tại thôn Đông Điền và Vinh Quang 2 đều bị ô nhiễm, dịch bệnh tôm nuôi thường xảy ra, nên thu nhập của người nuôi tôm rất bấp bênh. Những khó khăn, bất cập nói trên đã được khắc phục khi bà con áp dụng quy trình nuôi tôm xen cá, cua ATSH. Thực tế cho thấy, 15 hộ dân ở thôn Đông Điền và 3 hộ dân ở thôn Vinh Quang 2 tham gia mô hình đều đạt hiệu quả cao. Tính cộng đồng, trách nhiệm của người dân được thể hiện rất rõ trong quá trình thực hiện mô hình.
Theo Ban quản lý DA CRSD, mặc dù thực hiện trong điều kiện thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài, nhưng các hộ tham gia mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi tôm sú xen cua, cá ATSH tại Phước Thắng, Phước Sơn, Hoài Mỹ đều đạt kết quả cao. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, khi ao nuôi được đầu tư cải tạo tốt, chọn giống và thả tôm, cá, cua với mật độ phù hợp; xử lý nguồn nước và phòng bệnh kịp thời… đã khắc phục được những yếu tố bất lợi từ thời tiết và dịch bệnh phát sinh.
Nhân ra diện rộng
Theo Sở NN&PTNT, hàng năm nông dân tỉnh ta sử dụng trên 2.000 ha mặt nước để nuôi tôm theo các phương pháp thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Nghề nuôi tôm đã góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động tại các địa phương. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi tôm trong tỉnh còn yếu kém, nhiều nơi sử dụng chung kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất lúa và nuôi tôm. Người nuôi tôm trong tỉnh vẫn chưa thật sự ý thức cao trong việc tuân thủ, chấp hành nghiêm lịch thời vụ nuôi tôm; việc cải tạo ao hồ trước khi thả nuôi chưa được chú trọng đúng mức; thiếu quan tâm đến việc kiểm soát tôm giống trước khi thả nuôi; mật độ thả giống quá dày, cho tôm ăn thức ăn quá nhiều, làm cho môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh tôm nuôi.
Khi phát hiện tôm bị chết, nhiều hộ không báo cáo chính quyền và cơ quan chức năng biết để được hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân và cùng xử lý dịch bệnh, mà tự ý tháo nước từ ao nuôi ra môi trường, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi khi mầm bệnh phát tán nhiều ra môi trường, việc phòng chống dịch bệnh đã khó lại càng khó hơn. Bởi vậy, việc nhân rộng mô hình nuôi tôm xen cua, cá ATSH là giải pháp hữu hiệu giúp người dân khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện hữu, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Giám đốc DA CRSD - cho biết: Năm 2017, DA tiếp tục hỗ trợ mở rộng diện tích nuôi tôm xen cua, cá ATSH tại xã Phước Thắng, Phước Sơn và Hoài Mỹ. Điều đáng mừng là có rất nhiều nông dân tại các địa phương đăng ký tham gia. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương củng cố các Ban quản lý vùng nuôi, hướng dẫn người dân áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật vào thực tế, đồng thời tổ chức các hộ dân quanh vùng tham quan học tập, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
PHẠM TIẾN SỸ.

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email
Liên Kết
  CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ SINH HỌC XANH
Địa chỉ:  24-26 đường 2A, KDC Dương Hồng Garden House, Nguyễn Văn Linh, Bình Hưng, Bình Chánh, HCM
Điện Thoại: 028 2253 9517, 028 2253 9518

Email: info@greenbiotech.vn
Website: greenbiotech.com.vn, greenbiotech.vn

 

© Copyright 2008 GREEN BIOTECH. All rights Reserved

Design Thiet ke Web By Vihan