Lúa, tôm là hai sản phẩm chủ lực của huyện thuần nông Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Cách đây đúng một năm, “cơn bão” hạn mặn tràn vào vùng đất này làm hơn 70% diện tích trồng lúa bị thiệt hại nặng và hoàn toàn, hàng nghìn hộ nông dân rơi vào cảnh túng thiếu. Nhưng may thay, vụ tôm vừa qua nông dân Vĩnh Thuận có một mùa bội thu. Những cánh đồng lúa chết vàng, vắng bóng nông dân ngày nào đã rộn rã tiếng cười, nói.
Anh Nguyễn Văn Thừa bên con tôm càng xanh vừa thu hoạch.
Trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, gặp chúng tôi tại tiệc mừng Xuân, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận Mai Hoàng Khởi phấn khởi thông tin: Vụ tôm năm 2016, sản lượng và giá cả đều khá so với trước. Nông dân vui mừng phấn khởi, phần nào vơi đi nỗi buồn của vụ lúa trước. Một số nông dân sau vụ lúa đông xuân thất bại bỏ lên các thành phố lớn lao động, nay đã quay trở về bám đồng ruộng sản xuất. Xóm làng, ruộng đồng đã vui trở lại.
Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận phấn khởi cho biết: “Mặc dù bị thiệt hại nặng do hạn mặn đầu năm 2016, nhưng sản lượng lúa vẫn đạt hơn 110 nghìn tấn. Các cây trồng khác như: mía, khóm, hoa màu đạt khá. Đặc biệt, năm qua, diện tích thả tôm đạt 22.800 ha, sản lượng hơn 10.500 tấn. Ngoài ra, nông dân còn thu hoạch hơn 9.000 tấn cua, cá các loại. Cũng nhờ sản lượng tôm đạt khá cao nên đã bù đắp lại được những thiệt hại do hạn mặn gây ra, từ đó Vĩnh Thuận hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu sản xuất trong thế khó”.
Vĩnh Thuận là một trong những huyện xa nhất trên đất liền của tỉnh Kiên Giang tính từ trung tâm thành phố Rạch Giá. Đây là vùng đất phèn nhiễm mặn, mỗi năm có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, cả một vùng đất nông nghiệp rộng lớn giáp với tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, năng suất được 3 tấn/ha đã gọi là trúng.
Giao thông bộ là con số không. Con sông Trẹm và một số kênh đào là những tuyến giao thông chính nối Vĩnh Thuận với An Biên, Gò Quao, Rạch Giá (Kiên Giang), hay Hồng Dân (Bạc Liêu), Thới Bình (Cà Mau). Chính sự bít bí về giao thông là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của Vĩnh Thuận, bởi hàng hóa không có sự giao thương, chủ yếu tự cung, tự cấp. Sau những năm 90, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay, Vĩnh Thuận mới có bước khởi sắc đáng kể.
Điểm nhấn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi ở Vĩnh Thuận chính là sự xuất hiện của con tôm tại vùng đất này. Các mô hình sản xuất xoay quanh con tôm, cây lúa được hình thành. Vụ mùa tăng lên, thu nhập và cuộc sống của người nông dân cũng từ đó thay đổi. Từ con tôm sú mà nhiều vùng quê nghèo ở Vĩnh Thuận sau vài năm đã đổi mới hoàn toàn. Nhiều nông dân chân lấm, tay bùn ngày nào phút chốc trở thành “kỹ sư tôm”, hay “vua tôm”... Không chỉ có con tôm sú, con tôm càng xanh gần đây đã khẳng định được “cuộc sống” ở vùng đất này, tiếp tục giúp người nông dân làm giàu.
Xã Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Bình Minh, nằm dọc theo tuyến sông Cái Lớn, có sản lượng tôm đạt khá năm qua. Gia đình chị Võ Thị Kim Chi, ấp Ba Đình, xã Vĩnh Bình Bắc là một trong rất nhiều hộ vừa trúng đậm từ con tôm càng xanh. Chị Chi cho biết, trước đây gia đình chị và nhiều nông dân trong xã bắt đầu nuôi tôm là giống tôm sú. Con tôm sú vẫn chịu vùng đất này nhưng sản lượng không cao bằng những nơi khác, mà tiềm ẩn nhiều trắc trở rủi ro. Từ việc mô hình sản xuất bấp bênh, chị và nhiều hộ dân trong xã mạnh dạn chuyển sang nuôi con tôm càng xanh và hiệu quả kinh tế cao hơn con tôm sú rõ rệt. “Tôm càng xanh phù hợp với vùng nước ở đây lắm, nên rất dễ nuôi. Nhà tôi có 3 ha đất nuôi tôm càng xanh hết, mỗi năm thu hoạch hai vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về tầm hơn 200 triệu đồng/năm” - chị Chi hồ hởi.
Anh Nguyễn Văn Thừa, ngụ ấp Hòa Thành, xã Vĩnh Bình Nam kể, nhà anh có 3 ha đất, trước đây trồng lúa hai vụ và cây dừa nước, thu nhập cuộc sống bấp bênh. Sau đó, anh Thừa chuyển đổi diện tích trồng lúa hai vụ sang trồng một vụ lúa, nuôi một vụ tôm, lúc đầu cũng không hiệu quả, do chưa có kỹ thuật kinh nghiệm. Từ năm 2010 đến nay, việc nuôi tôm của gia đình anh bắt đầu khá lên. Đặc biệt năm qua, anh Thừa chuyển sang nuôi tôm càng xanh tất cả diện tích, lợi nhuận thu được trong năm hơn 200 triệu đồng.
Nông dân Lâm Văn Thoại, ấp Hòa Thành, xã Vĩnh Bình Nam khẳng định: “Nuôi tôm bây giờ khỏe re, đặc biệt là nuôi tôm càng xanh. Vừa rồi, tôi thả 1,5 ha, thu hoạch gần một tấn tôm, bán loại 12 con/kg giá 155.000 đồng, tính chung ra vụ rồi tôi lãi hơn 65 triệu đồng. Nếu so với con tôm sú, nuôi tôm càng xanh ăn chắc hơn. Còn làm lúa bây giờ chỉ có nước lỗ vốn”.
Cần cù, chịu thương chịu khó, nét tính vốn có từ lâu đời của người nông dân Tây Nam Bộ. Nhưng mạnh dạn thay đổi suy nghĩ, tìm tòi học hỏi cách làm mới để phát triển kinh tế gia đình là một điểm rất mới của người nông dân, đặc biệt là những nơi gọi là vùng sâu, vùng xa như huyện Vĩnh Thuận. Với đà quyết tâm vượt qua khó khăn trở ngại, tìm cách khắc phục vươn lên, chúng tôi tin rằng Vĩnh Thuận sẽ nhanh chóng bứt phá, trở thành một huyện khá của tỉnh Kiên Giang.
VIỆT TIẾN
Tel: | (028) 2253 9517 |
(028) 2253 9518 |
|
Hotline: |
096 105 4610 |
Email: |
info@greenbiotech.vn |
© Copyright 2008 GREEN BIOTECH. All rights Reserved
Design Thiet ke Web By Vihan