Mỗi sự trở lại đều mang theo những kỳ vọng mới và sự kỳ vọng của ngành tôm lại càng lớn hơn khi không chỉ có sự thuận lợi đến từ thị trường xuất khẩu, mà còn có cả sự chuẩn bị khá chu đáo từ các doanh nghiệp ngay từ giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, sự trở lại của ngành tôm sau thời điểm bình thường mới đã không hề dễ dàng như kỳ vọng, khiến cuộc đua về đích vì thế cũng thêm phần khó khăn hơn.
Lứa tôm chưa thu hoạch sẽ là lợi thế lớn cho doanh nghiệp trong chặng đua nước rút còn lại của năm 2021.
Sau khi tỉnh Sóc Trăng chuyển sang trạng thái bình thường mới, số lao động của hầu hết các doanh nghiệp ngành tôm đều đạt bình quân từ 60% trở lên, giúp sản xuất nhanh chóng phục hồi, thậm chí một số doanh nghiệp đã bắt đầu tính đến chuyện tăng tốc. Tuy nhiên, một lần nữa, dịch Covid-19 lại xuất hiện gây khó khăn cho sự trở lại nhà máy của các doanh nghiệp. Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta và Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, sau khi Sóc Trăng xuất hiện ổ dịch Covid-19 ở một công ty chế biến tôm, cùng với đó là lượng F0 từ dòng người lao động hồi hương đã khiến số lao động tại các xã có F0 phải nghỉ việc do không được ra vào như trước, làm cho số lao động tại doanh nghiệp giảm đi từ 400 - 500 người. Niềm vui và sự hứng khởi trong ngày trở lại của doanh nghiệp có phần chùng xuống, trong khi nỗi lo dịch Covid-19 lại luôn canh cánh bên mình.
Công tác đảm bảo an toàn cho người lao động bắt đầu được tăng cường ở mức cao hơn, nên chi phí theo đó cũng tăng dần lên, nhưng điều mà các doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay là chỉ mới có số lao động làm việc giai đoạn “3 tại chỗ” được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19, số còn lại chưa được tiêm mũi nào. Một doanh nghiệp chia sẻ: “Số lao động hiện của công ty tôi chỉ mới bằng 60 - 70% so với lúc bình thường và trong số này chỉ có khoảng 40% được tiêm vắc xin 2 mũi, còn lại chưa tiêm mũi nào, nên công ty phải làm rất kỹ việc rà soát, xét nghiệm từng ca, từng đối tượng vào nhà máy khiến chi phí sản xuất tăng lên rất cao”.
Nỗi lo về sự thiếu an toàn cho đội ngũ lao động chưa qua, thì nỗi lo về thiếu tôm nguyên liệu đã hiện hữu khi mùa vụ tôm 2021 đã vào giai đoạn cuối và thời điểm giao hàng cho đối tác đang cận kề. Theo các doanh nghiệp, hiện nay lượng tôm nguyên liệu trong dân không còn nhiều do trong giai đoạn giãn cách xã hội giá tôm xuống rất thấp, người nuôi thua lỗ nhiều, nên phần lớn đều không thả nuôi tiếp. Với tình hình này, chắc chắn giá tôm nguyên liệu sẽ còn tăng mạnh do các doanh nghiệp đều tăng cường thu mua để đảm bảo đủ lượng giao theo hợp đồng đã ký kết.
Một số doanh nghiệp đã trở lại đường đua khá nhanh và bắt đầu tăng tốc
Việc thiếu hụt tôm nguyên liệu đã được dự báo từ trước nên các doanh nghiệp có sự chủ động thu mua dự trữ trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhưng nhìn chung vẫn không thể đáp ứng nhu cầu chế biến từ nay đến cuối năm. Theo giám đốc một doanh nghiệp ngành tôm, lượng tôm nguyên liệu về nhà máy gần đây chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu công suất chế biến. Vì vậy, giá tôm gần đây mỗi ngày đều tăng lên 2 - 3 lần, mỗi lần tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg ở tất cả các kích cỡ. Từ nay đến cuối năm, tôm nguyên liệu chẳng những thiếu mà còn thiếu trầm trọng, nên giá tôm sẽ còn được đẩy lên cao. Do đó, chỉ những doanh nghiệp nào có nguồn tôm dự trữ lớn và hợp đồng mới giá cao thì mới có khả năng vượt qua thời điểm khó này, còn ngược lại, khó sẽ càng thêm khó.
Hiện nay, những vùng nuôi tôm tại đồng bằng sông Cửu Long đã vào cuối vụ, trong khi đợt thả nuôi vụ nghịch năm nay không nhiều, nên lượng tôm thu hoạch từ nay đến cuối năm sẽ không lớn. Tại Sóc Trăng, nơi có vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh lớn nhất cả nước, đến hết tháng 9 đã thả nuôi hơn 48.000ha, sản lượng tôm đã thu hoạch được gần 140.000 tấn. Với diện tích chưa thu hoạch hơn 10.000ha, nếu tình hình nuôi tốt như dự kiến, các doanh nghiệp Sóc Trăng sẽ có nhiều lợi thế hơn trong cuộc đua về đích này. Thực tế cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của tỉnh vẫn tăng khá và theo các doanh nghiệp, nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, khả năng hoàn thành chỉ tiêu doanh số xuất khẩu là có thể thực hiện được.
Cũng nhờ có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa nên một số doanh nghiệp đã trở lại đường đua khá nhanh và bắt đầu tăng tốc, như trường hợp của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta chẳng hạn. Theo công bố của doanh nghiệp này, trong tháng 9 đã chế biến được 2.499 tấn, bằng 104,5% so cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu 21,7 triệu USD, bằng 121,2% so cùng kỳ năm 2020. Còn tính chung 9 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta có doanh số xuất khẩu 154,6 triệu USD, bằng 111,9% so cùng kỳ và đạt 77,3% kế hoạch năm. Còn tại Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Tổng giám đốc Võ Văn Phục cho hay, khả năng đến cuối năm, doanh nghiệp sẽ có doanh số xuất khẩu từ bằng đến cao hơn năm ngoái.
Khi trao đổi với người viết, phần lớn doanh nghiệp ngành tôm của tỉnh đều cho biết tuy có khó khăn nhưng doanh số xuất khẩu năm nay sẽ không thấp hơn năm trước và nếu thuận lợi có thể sẽ cao hơn đôi chút. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng thừa nhận, dù có đạt doanh số thì lợi nhuận cũng không cao do hầu hết các chi phí từ nguyên liệu, vật tư đầu vào, nhân công cho đến phòng, chống dịch và logistics đều tăng rất mạnh.
Tích Chu
Báo Sóc Trăng
Đăng ngày: 19/10/2021
Tel: | (028) 2253 9517 |
(028) 2253 9518 |
|
Hotline: |
096 105 4610 |
Email: |
info@greenbiotech.vn |
© Copyright 2008 GREEN BIOTECH. All rights Reserved
Design Thiet ke Web By Vihan