slide homeslide homeHome slide

tin tức

Kim Sơn (Ninh Bình): Từng bước đưa nghề nuôi tôm phát triển bền vững

 Nhiều năm nay, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện ven biển Kim Sơn (Ninh Bình), trong đó có nghề nuôi tôm. Nuôi tôm không chỉ đem lại thu nhập cao cho người nông dân, tạo việc làm cho nhiều lao động và đang dần trở thành xu hướng phát triển mạnh của ngành thủy sản Kim Sơn bởi đầu ra ổn định và người nông dân cũng đang từng bước làm chủ về kỹ thuật trên những đầm tôm của mình.

                                                      

Đầm nuôi tôm ở Kim Sơn. Ảnh: Trần Đức
Gia đình anh Hồ Sỹ Thanh, xóm 1, xã Kim Đông là một trong những hộ đã và đang thành công với nghề nuôi tôm. Với diện tích 4.500m2, anh đã đào các ao lắng, ao nuôi tôm một cách khoa học và hợp lý. Đồng thời để bảo đảm “ăn chắc”, anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo, nâng cấp ao nuôi và mua máy móc phục vụ việc nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Anh Thanh phấn khởi cho biết, vụ vừa qua anh thả 18 vạn tôm sú và 10 vạn tôm thẻ chân trắng.
Đến nay, anh đã thu hoạch được 3 tấn tôm thương phẩm, dự kiến đến cuối năm sẽ thu thêm được 4 tấn nữa, thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Anh Thanh tâm sự: Trước đây, do chưa nắm chắc kỹ thuật nuôi tôm nên gia đình từng bị thất bại. Nhưng giờ đây, tôi đã hiểu hơn về nghề này nên rất tự tin. Có thể nói, tiềm năng đối với nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm ở Kim Sơn là rất lớn.
Hiện nay, đầu ra của tôm thương phẩm rất ổn định. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng, đầu tư thêm máy móc để phát triển kinh tế gia đình...
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Kim Sơn, năm 2016, tổng diện tích nuôi tôm của huyện vẫn duy trì đạt 2.115,04 ha (chiếm 69% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện). Trong đó, diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến là 1.965,04 ha và diện tích nuôi tôm thẻ công nghiệp, bán công nghiệp là 150 ha.
Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng tôm của huyện đã đạt 734 tấn, trong đó, tôm sú là 315 tấn, tôm rảo là 199 tấn và tôm thẻ chân trắng là 220 tấn.
Ngoài thu nhập trực tiếp từ hoạt động nuôi tôm, hiện nay, hàng chục nghìn người dân ở vùng ven biển huyện Kim Sơn có việc làm và thu nhập ổn định từ các dịch vụ cung ứng vật tư, cung ứng sản phẩm, thu gom thủy sản…
Để duy trì và nâng cao sản lượng nuôi tôm, thời gian qua huyện Kim Sơn đã tăng cường huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, khuyến khích phát triển thêm diện tích nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh.
Ông Phạm Văn Thùy, Phó Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình) cho biết: Hàng năm, Trạm Thủy sản thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi trọng điểm với tần suất 1 lần/tuần. Kết quả quan trắc được thông báo trên hệ thống đài truyền thanh để người nuôi tôm chủ động trong việc chọn thời điểm lấy nước, thả giống phù hợp.
Ngoài ra, để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, Trạm thủy sản cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền, phổ biến lịch thời vụ đến người nuôi tôm nhằm giúp người nuôi kiểm tra, chọn tôm giống sạch bệnh, chăm sóc và quản lý tốt môi trường ao nuôi.
Trong nghề nuôi tôm, một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả kinh tế đó là khâu chọn con giống. Hiện nay, địa phương vẫn chưa sản xuất được giống tôm nên phải nhập nguồn giống chủ yếu từ các tỉnh miền Trung và Nam Bộ như Đà Nẵng, Nghệ An, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận…
Để giúp người nuôi tôm có kỹ năng kiểm soát chất lượng giống, hàng năm, huyện Kim Sơn chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với các cơ quan hữu quan mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm soát chất lượng tôm giống cho các hộ hành nghề kinh doanh cung ứng con giống, đồng thời yêu cầu các hộ cam kết cung cấp con giống bảo đảm chất lượng.
Ngoài ra, huyện thành lập các tổ kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống tôm, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý chất lượng giống đưa vào vùng nuôi.
UBND các xã ven biển có diện tích nuôi tôm như Kim Hải, Kim Đông và Kim Trung cũng khuyến khích các HTX nông nghiệp hỗ trợ cung cấp con giống ổn định, chất lượng cho người nuôi tôm.
Những kết quả đạt được của nghề nuôi tôm ở Kim Sơn đã khẳng định hướng đi đúng của chủ trương phát triển kinh tế biển của địa phương. Để đưa nghề nuôi tôm phát triển bền vững, thời gian tới, huyện Kim Sơn tập trung đầu tư phát triển các vùng nuôi tôm hàng hóa nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, giảm thiểu dịch bệnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giúp người nuôi tôm mở rộng vùng nuôi trồng, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương
Mai Lan

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email
Liên Kết
  CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ SINH HỌC XANH
Địa chỉ:  24-26 đường 2A, KDC Dương Hồng Garden House, Nguyễn Văn Linh, Bình Hưng, Bình Chánh, HCM
Điện Thoại: 0976543399 - 028 2253 9517, 028 2253 9518

Email: info@greenbiotech.vn
Website: greenbiotech.com.vn, greenbiotech.vn

 

© Copyright 2008 GREEN BIOTECH. All rights Reserved

Design Thiet ke Web By Vihan