Nắng hạn kéo dài, độ mặn trong nước tăng cao từ 35 - 37%o, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của tôm. Vì thế, diện tích và sản lượng tôm nguyên liệu cùng giảm làm cho các nhà máy chế biển thuỷ sản xuất khẩu hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên vội vàng xuống giống bởi rủi ro cao do hạn, mặn vẫn đang diễn ra gay gắt
Kỹ sư Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, tình hình biến đổi khí hậu, xâm mặn kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến nuôi trồng thuỷ sản thời gian qua. Ðặc biệt, đối với diện tích ao, đầm nuôi tôm công nghiệp trên 9.700ha, nông dân chỉ thả nuôi được 3.000ha. Ðây chính là lý do làm cho lượng tôm nguyên liệu cung cấp ra thị trường ngày càng trở nên khan hiếm, giá tăng cao
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau (CASEP) Ngô Thành Lĩnh lo lắng, các năm trước, những tháng đầu năm, nguồn tôm nguyên liệu trong tỉnh đáp ứng đủ các các nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu đến tháng 7, tháng 8. Sau đó, một số doanh nghiệp mới nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Ðộ để chế biến. Còn năm nay, tình trạng thiếu tôm nguyên liệu xảy ra rất sớm. Hiện tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng khoảng 42,1% công suất thiết kế. Cho dù ngay từ thời điểm này, nông dân có cải tạo ao, đầm thả con giống nuôi mới gần 3 tháng sau mới thu hoạch, trong khoảng thời gian này các nhà máy tiếp tục "đói" nguyên liệu, thu nhập của công nhân thiếu ổn định.
Ðồng quan điểm, ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa, cho biết, doanh nghiệp đang bị hụt nguồn tôm nguyên liệu khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Trung, các năm trước, vào thời gian này, nguồn tôm nguyên liệu trong tỉnh đáp ứng đủ cho sản xuất của doanh nghiệp, riêng 3 tháng đầu năm nay thì nguồn tôm nguyên liệu bị thiếu hụt, do nông dân ngại sản xuất.
Theo dự báo của Sở NN&PTNT, thời gian tới, thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng cao, khu vực nội đồng sản lượng tôm tiếp tục giảm mạnh ở các huyện: Cái Nước, Thới Bình, U Minh và TP Cà Mau. Ông Dương Minh Chương, ấp Công Nghiệp, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, cho biết, hiện giá tôm đang ở mức cao, nhưng không ai có tôm để bán.
Theo ông Nguyễn Phúc Giang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, mặc dù giá tôm tăng trong thời gian qua, song diện tích thả tôm nuôi trên địa bàn huyện lại giảm. Huyện có hơn 30.000ha nuôi tôm, trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên 2.200ha. Từ đầu năm đến nay, nông dân mới xuống giống thả nuôi chỉ được 750ha. Ðộ mặn tăng cao (từ 35 - 38%o), nguồn nước phục vụ sản xuất cạn kiệt, con tôm không thể phát triển được nên bà con nông dân còn e ngại không dám xuống giống thả nuôi.
Ông Nguyễn Văn Thương, ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cho biết, do độ mặn trong ao, đầm quá cao, tôm giống thả xuống chỉ sống thời gian ngắn là chết. Vì vậy, hiện nay, nhiều người thu hoạch xong, nếu có vốn thì cải tạo ao đầm cho vụ sau, còn không thì “treo ao” không dám thả nuôi tiếp.
Hiện đang vào vụ nuôi tôm chính, thời tiết đang tiếp tục nắng nóng, độ mặn trong nước tăng cao, chưa có nguồn nước pha loãng, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên vội vàng xuống giống bởi rủi ro cao do hạn, mặn vẫn đang gay gắt./.
Ông Ngô Thành Lĩnh cho biết, giá bán hiện tại, tôm sú cỡ 20 con/kg từ 250.000 - 260.000 đồng/kg; tôm cỡ 30 con/kg từ 175.000 đồng/kg tăng lên 190.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng cũng tăng giá đột biến, tôm cỡ 100 con/kg từ 93.000 đồng/kg lên 105.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg từ 115.000 đồng/kg lên 158.000 đồng/kg.
Trúc Ly
Tel: | (028) 2253 9517 |
(028) 2253 9518 |
|
Hotline: |
096 105 4610 |
Email: |
info@greenbiotech.vn |
© Copyright 2008 GREEN BIOTECH. All rights Reserved
Design Thiet ke Web By Vihan