Nguồn tin: Dân Việt, 19/04/2016
“Đã hơn 20 năm gắn bó với nghề cá tra, nhưng với tình hình này chắc tôi nghỉ nuôi. Tỉnh An Giang có hơn 12 doanh nghiệp (DN) trong ngành cá tra, nhưng 4 DN đã “chết”, các DN còn lại thì một số cũng đang khó khăn, mà DN tê liệt thì người dân cũng khổ theo. Chúng tôi ngán lắm rồi” - ông Cao Lương Tri ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới (An Giang) than vãn.
LTS: Trong giai đoạn 2005 - 2008, ngành cá tra trong nước phát triển rất mạnh, đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung. Đã có thời điểm, ngành cá tra Việt Nam chiếm lĩnh 90 - 95% thị phần xuất khẩu thế giới. Nhưng hiện tại, mọi chuyện đã thay đổi, khi cá tra đang “ngộp thở” ngay tại “ao nhà”.
Người nuôi đang sạt nghiệp
Sau khi giảm mạnh xuống mức 17.000 - 18.000 đồng/kg thời điểm đầu năm 2016, hiện tại giá cá tra đã tăng trở lại, song nhiều nông dân (ND) nuôi cá tra tại ĐBSCL như “ngồi trên lửa” vì vẫn trong tình trạng không có lời hoặc ngấp nghé lỗ.
Lão nông Trần Hiếu Trung nuôi cá tra tại quận Ô Môn, TP.Cần Thơ, cho biết: “Giá thành sản xuất con cá tra đang dao động ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg, trong khi chỉ bán ra được 22.000 - 22.500 đồng/kg. Nghề nuôi cá tra giờ gần như bị “bão hòa”, người nuôi mới rất ít, chỉ còn lại những ND đã trót “phóng lao thì phải theo lao” đành bám trụ. ND chỉ còn biết hy vọng giá cá tra tiếp tục tăng để có cơ hội gỡ gạc lại thua lỗ bấy lâu nay. Nếu nghỉ nuôi thì ngân hàng siết nợ, ND sẽ còn khổ hơn”.
Theo nhiều người nuôi cá có kinh nghiệm ở miền Tây, có nhiều nguyên nhân khiến khoảng 90% người nuôi cá tra gặp khó khăn như: Các nước châu Á, EU và Đông Âu vẫn chưa mở rộng cửa đón nhận sản phẩm của chúng ta; người nuôi cá sản xuất nhỏ lẻ, giữa DN và người dân không có sự liên kết. Ngoài ra, nguyên nhân cơ bản vẫn là việc chèo kéo, ép giá, mua thiếu, nợ nần, sự cạnh tranh khốc liệt và không lành mạnh giữa các DN. Xuất khẩu tăng nhưng giá cá tra lại giảm so với cùng kỳ.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Ngọc Hải – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ), cho rằng: Hiện nay, đa phần DN đều có vùng nuôi cá tra, số nông hộ nuôi rất ít do thua lỗ. Hơn nữa, các nhà máy phải bán hết số hàng tồn đọng của trong năm 2015 mới thu mua cá trong dân.
“Buộc” tất cả người nuôi cá về một mối
Từng được mời tham gia diễn đàn của Quốc hội về nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc HTX Thủy sản Châu Phú (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), đề xuất: “Chúng ta cần kiểm soát lại cung- cầu, nếu không tình hình của ND ngày càng tệ hơn. Nhà nước phải có chính sách “buộc” tất cả những người nuôi cá về một mối, quy định khi nuôi theo quy chuẩn chung của Nhà nước thì mới được hỗ trợ đầu vào lẫn khâu tiêu thụ”.
“Tình trạng ngành cá tra đang “thoi thóp” như hiện nay chưa đến nỗi quá bi quan bởi đây cũng là cơ hội để thay đổi toàn diện. Mình nên bỏ ngay quan niệm “nuôi rồi bán cho ai”, mà phải có người mua rồi mới quyết định nuôi bao nhiêu, và phải đảm bảo chất lượng mới được xuất. Đồng thời, cần có một thị trường ủy thác, hạn chế tối đa “cò mồi”, tất cả đều phải sản xuất trong HTX. Giao cho HTX đứng ra kêu gọi DN đấu giá mua cá của ND, chính quyền là người làm trọng tài” - ông Nguyên nêu ý kiến.
Nói về tình trạng ND than không bán được cá trong khi DN kêu thiếu nguồn cung, ông Nguyên cho rằng: Từ năm 2011 - 2013, chính sách hỗ trợ DN mở rộng vùng nuôi của Nhà nước dẫn đến có 90% sản lượng cá tra nằm trong vùng nuôi của DN, ND chỉ còn lại 10%. Đến năm 2015, khi DN đã đầu tư vốn lớn vào vùng nuôi nhưng tình hình xuất khẩu khó khăn thì lại hạ giá thành, tăng trọng, bán rẻ cho khách hàng để có tiền trả cho ngân hàng. Việc làm này đã dẫn đến hậu quả là con cá tra Việt Nam mất thương hiệu do chất lượng kém, rồi mất khách hàng, cũng vì vậy mà diện tích nuôi của ND giảm mạnh.
“Đối với DN cần đưa ra quy định về giá xuất khẩu, không thể để mạnh ai nấy ra giá, cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá bán, để rồi quay lại hạ giá với ND” – ông Nguyên bức xúc.
Cùng quan điểm, nhiều người nuôi cho rằng, cần có quy định chung về giá cả, tiêu chuẩn và cách thức nuôi, đặc biệt phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, khi đã có quy định thì cần có hình thức xử phạt đối với DN làm trái quy định.
Bà Võ Thị Thanh Hương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thừa nhận: Dù số lượng người nuôi cá tra nhiều song chỉ có khoảng 50% vùng nuôi đạt tiêu chuẩn về thực hành sản xuất tốt, ngành cá tra chưa có sự đa dạng về sản phẩm. Thương hiệu phải đi đôi với chất lượng, tuy nhiên cả 2 mặt này đều chưa thật sự đảm bảo, vì thế khó có thể cạnh tranh.
Cũng theo bà Hương, dù giá cá tra có nhích lên nhưng đây cũng chưa phải là tín hiệu khả quan và không phải vì vậy mà người nuôi mở rộng diện tích. “Thời gian tới, Hiệp hội sẽ xây dựng đề án xếp hạng DN trong chuỗi ngành hàng cá tra, dự án xây dựng bản đồ cụm ngành cá tra về vùng nuôi, bản tin giá cả ngành, các đề án tái cấu trúc ngành hàng cá tra ở ĐBSCL… nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng ngành cá, nâng hình ảnh con cá tra đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước” – bà Hương thông tin thêm.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tính đến cuối tháng 3.2016, diện tích nuôi mới và thu hoạch giảm 20% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 183.000 tấn (giảm 12% so với năm 2015). Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, lũy kế xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm đạt gần 237 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Chúc Ly - Bình Anh
Tel: | (028) 2253 9517 |
(028) 2253 9518 |
|
Hotline: |
096 105 4610 |
Email: |
info@greenbiotech.vn |
© Copyright 2008 GREEN BIOTECH. All rights Reserved
Design Thiet ke Web By Vihan