slide homeslide homeHome slide

tin tức

Bến Tre: Chuyện ở làng biển - Bài cuối: Hướng khai thác thủy sản bền vững

                     

 Cá thu được sau lần kéo lưới đèn. Ảnh: T.Phương
Trước sự tuyên truyền, vận động, phân tích bài bản về nghề lưới cào của ngành chức năng, đặc biệt là hiệu quả đánh bắt thực tế bằng loại hình này ngày càng kém… nhiều chủ tàu đã thấu hiểu loại hình mà mình sử dụng khai thác tài nguyên biển lâu nay mang tính hủy diệt nguồn lợi tự nhiên sẵn có.
Hiện nay, dịch vụ hậu cần nghề cá đã phát triển mạnh. Bên cạnh đó, loại hình khai thác bằng lưới vây (đèn) đã “sống” lại, thậm chí đã có những chủ tàu chuyển từ lưới cào sang lưới vây khai thác ổn định hơn.
Tàu dịch vụ hậu cần phát triển
Trong số ít ỏi những ngư dân được giải ngân từ Nghị định số 67/2014 của Chính phủ, bà Phan Thị Chiến ở Ấp 3, xã Bình Thắng (Bình Đại) đã đóng mới chiếc tàu trọng tải đến 150 tấn chỉ chủ yếu làm nhiệm vụ vận tải hàng hóa phục vụ cho 10 cặp càu hiệu Phước Mai của mình.
Chiếc tàu giá trị chưa tới 10 tỷ đồng này được bà Chiến đánh giá là vô cùng hiệu quả sau hơn 2 năm đi vào hoạt động. Theo bà, tuy rằng không trực tiếp tham gia đánh bắt nhưng khả năng sinh lời của chiếc tàu này đem lại là rất cao và sẽ mau chóng lấy lại vốn liếng. “Lãi thực tế sau khi trừ chi phí nhiên liệu khoảng 50 triệu đồng/chuyến (khoảng 3 ngày đêm) và số tiền đó thường chỉ dùng “thưởng trà lá” cho các thuyền viên. Đó là phần lãi không đáng kể gì so với cái lợi ích sự giảm nhẹ về chi phí đánh bắt. Đoàn tàu hiệu Phước Mai của tôi gồm 10 cặp, mỗi cặp đánh bắt trong một tháng phải sử dụng từ 70 - 100 ngàn lít dầu và từ 2.300 - 2.500 cây nước đá. Nếu chở một lần thì tàu sẽ khẳm, khi đánh bắt máy phải chạy ga lớn hơn, phải tốn nhiều nhiên liệu. Ngoài ra, chứa cùng lúc quá nhiều dầu trên boong tàu sẽ không được an toàn” - bà Chiến cho biết.
“Có tàu tải phục vụ, tàu đánh bắt ra khơi không cần “cộ” hết một lần như trước. Khi đánh bắt có nhiều cá thì gọi tàu tải ra vận chuyển vào cảng bất cứ khi nào - khâu này là quan trọng nhất vì chẳng sợ cá ướp đá lâu ngày bị thất thoát như trước kia. Hơn nữa, chở về như thế mình sẽ chủ động chọn được thời điểm giá thị trường cao. Trong khi đó, mỗi tháng Phước Mai khai thác hơn 350 tấn hải sản nên chỉ cần chớp thời cơ giá lên chừng 500 đồng/kg thôi đã lãi hơn được vài trăm triệu đồng. Còn nữa, do cá còn tươi nên mình sẽ được lái “boa” 200 đồng/kg. Số tiền này dùng thưởng cho tài công và bạn ghe để họ hưng phấn mà làm việc tốt hơn. Ngoài ra, nếu tàu ngoài khơi cần bất cứ thứ gì chỉ cần gọi là có, chứ không cần chạy về mất thời gian. Vì thế, nếu đánh trúng luồng cá, tàu có thể đi liên tục đến vài tháng” - bà Chiến chia sẻ thêm.
Không chỉ có Phước Mai, nhiều chủ tàu khác ở Bình Đại và Ba Tri tuy không vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển dịch vụ hậu cần nhưng họ cũng đã bằng mọi cách như cải hoán tàu cũ, mua lại những tàu đánh bắt không hiệu quả… Đến nay, ngư dân 2 huyện này đã có trên 50 tàu chuyên tải.
“Những đội tàu lớn đều có tàu tải, riêng những chủ tàu chỉ có 1 - 2 cặp tàu cào thì thuê tàu tải và cùng với lợi ích từ giá dầu thấp trong khoảng 2 năm qua nên nghề cào hiện vẫn còn sức hấp dẫn. Nhưng về lâu dài nếu vẫn duy trì với phương tiện lưới cào thì chắc chắn sẽ không ổn. Chứ hàng ngàn miệng lưới, mỗi miệng dài tới mấy trăm mét, đến cái trứng cá nhiều khi còn cào được thì lấy cá đâu ra mà cào hoài” - một tài cải (vị trí chịu trách nhiệm về thiết bị kỹ thuật và máy móc trên tàu đánh cá) ở Tiệm Tôm, xã An Thủy (Ba Tri) đúc kết.
“Thu nhập không bằng lưới cào nhưng vẫn chọn lưới đèn”
Đó là khẳng định của hầu hết những ngư dân đi bạn ở xã An Thủy khi tiếp xúc với chúng tôi. Bởi, đi lưới đèn công việc nhẹ nhàng hơn, thu nhập đều đặn khoảng 10 triệu đồng/tháng và quan trọng nhất là chỉ phải lênh đênh trên biển hơn 20 ngày là kết thúc chuyến. “Hồi trước, gần 10 năm đi cào, tôi đã chuyển qua đi lưới đèn gần 5 năm nay. Đi lưới cào làm việc cả ngày lẫn đêm là bình thường, cực dữ lắm. Nhưng căng nhất vẫn là việc phải đi trên 2 tháng ròng rã, thương nhớ gia đình, vợ, con khổ lắm” - ngư dân Nguyễn Ngọc Thắm ở Bãi Ngao, xã An Thủy nói.
Cũng vì lẽ trên, các tàu lưới cào thiếu lao động là bài toán nan giải từ mấy năm nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, chỉ một số ít lượng tàu lưới cào loại lớn đánh bắt có hiệu quả mới duy trì được lượng lao động ổn định trong các chuyến lên khơi. Trong khoảng 3.800 tàu cá ở tỉnh Bến Tre, chỉ khoảng 2.000 tàu có đủ tiêu chuẩn đánh bắt xa bờ và chỉ khoảng phân nửa trong số đó là đánh bắt có hiệu quả, phần còn lại lỗ nhiều hơn lãi, thời gian nằm ụ nhiều hơn lên khơi.
Thông tin từ UBND xã An Thủy, hiện trong tổng số gần 1.000 tàu cá các loại, đã có khoảng 20% chuyển sang lưới đèn. Hầu hết chủ tàu ở Bãi Ngao. Trong khoảng vài năm qua, số tàu lưới đèn đánh bắt rất ổn định và tình trạng thiếu lao động trên các tàu này hầu như không có. Trong khi đó, nhiều chủ tàu khu vực Tiệm Tôm vẫn “trân mình” chịu đựng và nhiều tàu đã “chết lâm sàng” trong vài năm qua. “Tàu nằm ụ nhiều hơn tàu lên khơi vì thiếu lao động, số ít chủ tàu không còn cân đối được vốn mua nguyên liệu. Trong khi một số chủ tàu vẫn đi vay vốn để nâng cấp vỏ tàu, công suất máy tiếp tục đi cào. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần vận động nhưng không tác dụng” - một lãnh đạo xã An Thủy cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, một số chủ tàu lưới cào đang nằm ụ hiện nay cho biết, vì không rành việc chuyển đổi sang loại hình khác, cũng như kỹ thuật đánh bắt của các loại hình khác nên chưa dám chuyển. “Hồi trước tôi cũng làm tài công tàu lưới cào nhưng thiếu lao động liên tục, ghe lại không đủ lớn để chứa nguyên liệu mà đi dài ngày. Vì vậy, vào 3 năm trước, chủ tàu của tôi đã quyết định đổi sang máy có công suất nhỏ hơn, dùng tàu đực (chiếc cào nhỏ) làm ghe chong đèn, giữ chà. Chỉ khoảng 3 tháng sau là làm ăn ngon lành tới giờ. Nhiều chỗ thả chà xong là có thể bao đánh hàng năm trời chứ không phải chạy rảo kiếm cá như tàu lưới cào đâu. Nói đi hơn 20 ngày nhưng thời gian làm lặt vặt là chủ yếu, tại khi giở chà kéo lưới khoảng 5 giờ là xong” - anh Hoài, tài công tàu lưới đèn ở Bãi Ngao nói.
Thái Phương

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email
Liên Kết
  CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ SINH HỌC XANH
Địa chỉ:  24-26 đường 2A, KDC Dương Hồng Garden House, Nguyễn Văn Linh, Bình Hưng, Bình Chánh, HCM
Điện Thoại: 028 2253 9517, 028 2253 9518

Email: info@greenbiotech.vn
Website: greenbiotech.com.vn, greenbiotech.vn

 

© Copyright 2008 GREEN BIOTECH. All rights Reserved

Design Thiet ke Web By Vihan