Dành một phần diện tích ao nuôi để lắng lọc nước trong nuôi tôm là mô hình được nhiều hộ triển khai ở các vùng tôm trên địa bàn Nghệ An. Cách làm này góp phần cải thiện môi trường nuôi, đem lại hiệu quả cao trong phòng chống dịch bệnh, giảm rủi ro cho hoạt động nuôi tôm, nghề được xem là “hái ra tiền” ở vùng ven biển.
Giảm thiểu rủi ro, hiệu quả cao
Gia đình ông Nguyễn Văn Khánh ở xóm 6, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) được xem là một điển hình về áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) và dành nhiều diện tích để làm ao lắng lọc nước. Bắt đầu nuôi tôm cách đây 5 năm, ban đầu ông Khánh sử dụng toàn bộ diện tích 8 ao thả nuôi tôm. Nhưng cách làm này không có ống xả mà người tự xuống dọn dẹp, hút nước đáy và lấy nước trực tiếp từ sông Mai Giang vào thẳng ao nuôi, như vậy, môi trường nước còn bị ô nhiễm bởi chất thải không gom lại được một chỗ mà rải khắp ao, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của tôm.
“Năm 2015, tôi đầu tư thêm 60 triệu đồng làm lòng chảo giữa các ao, đào chôn đường ống vào giữa, lắp dài thêm hệ thống cánh quạt để gom hết phân, chất thải xả ra ngoài ao chứa. Đồng thời chọn ra 3 ao rộng nhất để làm ao lắng lọc, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. Hiện nước ao rất sạch, trong đáy ao không có chất thải dư thừa, các bệnh như hồng thân, gan, phân trắng giảm 70%, năng suất tôm tăng từ 2- 3 lần. Nếu trước đây 8 ao chỉ thu về bình quân 14 - 15 tấn/vụ nuôi thì vụ 1 năm nay, 5 ao đã thu được 30 tấn”, ông Khánh chia sẻ.
Hai năm nay, môi trường ao nuôi tôm của hộ ông Nguyễn Văn Khánh, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) rất sạch nhờ đầu tư làm ao lắng. Ảnh: P.H
Huyện Quỳnh Lưu có 650 ha nuôi tôm mặn lợ, tập trung ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh và An Hòa. Xét về tổng thể, nuôi tôm vẫn là nghề hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong đó vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, nhiều vụ nuôi thất bại, thua lỗ do những nguyên nhân về con giống, cơ sở hạ tầng, thức ăn, nguồn nước...
Ông Nguyễn Anh Hùng - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Chúng tôi tập trung xây dựng các mô hình nuôi tôm an toàn sinh học ở các xã trọng điểm tôm, trong đó hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, thuốc, vi sinh… để từ đó tuyên truyền nhân rộng. Đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn thường niên vào đầu vụ, giữa vụ để phổ biến kỹ thuật, tuyên truyền và khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp tiến bộ KHKT, trong đó có biện pháp sử dụng ao lắng lọc để có thể cách ly mầm bệnh hiện có trong môi trường nước, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho tôm.
Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 60% diện tích nuôi tôm sử dụng quy trình 30 - 70 (30% diện tích làm ao lắng); 25% bắt đầu đi theo quy trình 50 - 50 theo đúng khuyến cáo về nuôi tôm an toàn sinh học (50% diện tích làm ao lắng); số còn lại hoặc sử dụng ở mức thấp hơn và một phần ít diện tích chưa có ao lắng mà lấy trực tiếp từ sông. Việc tăng diện tích làm ao lắng đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2015, sản lượng tôm của Quỳnh Lưu đạt 5.500 tấn thì chỉ riêng vụ 1 năm 2016 đã là 7.000 tấn, năng suất tôm ở những diện tích nuôi sử dụng ao lắng lọc đúng quy trình, tăng gấp 2- 3 lần.
Thị xã Hoàng Mai có 450 ha nuôi tôm, tập trung tại các địa phương Quỳnh Dị 86 ha, Quỳnh Liên hơn 53 ha, Quỳnh Lộc hơn 71 ha... Theo ông Nguyễn Ngọc Thủy, Trưởng phòng Kinh tế thị xã, phong trào bớt diện tích nuôi để làm ao lắng lọc đã phát triển mạnh mẽ từ vài năm nay, đến nay gần như 100% hộ nuôi tôm đều có sử dụng ao lắng lọc với tỷ lệ bình quân là 20 - 25% diện tích làm ao lắng, những hộ đầu tư sau dành tới 30 - 35%.
Xu hướng tất yếu
Nghệ An hiện có 1.350 ha nuôi tôm, tập trung ở TX. Hoàng Mai Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và TP. Vinh. Những năm qua, để giúp người dân nâng cao hiệu quả cũng như hạn chế rủi ro trong nuôi tôm, ngành Thủy sản đã ban hành quy trình riêng về nuôi tôm an toàn sinh học, trong đó hướng dẫn thiết kế sử dụng ao chứa làm lắng lọc nước. Cùng với công tác tuyên truyền, khuyến cáo và rút kinh nghiệm từ thực tế, những năm gần đây, môi trường nước ngày càng ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp, bà con đã nhận thức được vấn đề này. Hiện 70% diện tích nuôi tôm của tỉnh đã có ao lắng từ 25 - 30% (diện tích ao lắng trong tổng diện tích nuôi trồng). Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Quang - Phó phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Nghệ An, thì trong đó chỉ một số ít vùng đạt tỷ lệ 30 - 50 (30% diện tích làm ao lắng), riêng những vùng được Dự án CRSD hỗ trợ thì 90% diện tích có ao lắng đúng quy trình khuyến cáo; những vùng còn lại người dân chỉ đào thêm một ao nhỏ để làm ao lắng hoặc thiết kế lại để hợp lý, chủ động hơn trong cấp nước.
Sử dụng ao lắng lọc là một biện pháp cực kỳ quan trọng trong nuôi tôm thâm canh, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Nguồn nước được lấy từ ngoài vào ao lắng, được lắng, lọc, dùng hóa chất clorin, vôi để diệt khuẩn đảm bảo sạch sẽ giúp chuẩn bị chủ động nguồn nước để cung cấp cho ao nuôi khi cần thiết, không gây biến động môi trường nuôi. Theo quy trình cũ, ngành Thủy sản khuyến cáo ao lắng chỉ chiếm 10 - 15% diện tích nuôi. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay khi dịch bệnh, ô nhiễm môi trường tăng, chế phẩm sinh học nhiều, tỷ lệ được khuyến cáo tăng lên từ 30 - 40% diện tích để có thể chủ động hơn về nguồn nước trong điều kiện nắng nóng kéo dài, mưa lớn.
“Trong khi biến đổi khí hậu ngày càng gây ảnh hưởng môi trường nước, nắng nóng làm nước bốc hơi nhanh thì ao lắng có vai trò rất quan trọng trong quyết định thành bại của vụ nuôi. Ao lắng còn là nơi lắng lọc các chất kim loại nặng trong nguồn nước do các nhà máy chế biến thủy sản, thuốc BVTV trong nông nghiệp, nhất là khi có mưa trái mùa, nước triều dâng. Đặc biệt, trong phòng chống dịch bệnh, ao lắng là một biện pháp quan trọng để giải quyết cơ bản vấn đề này”, ông Trần Xuân Quang cho biết thêm.
Phú Hương - Báo Nghệ An, 19/10/2016
Tel: | (028) 2253 9517 |
(028) 2253 9518 |
|
Hotline: |
096 105 4610 |
Email: |
info@greenbiotech.vn |
© Copyright 2008 GREEN BIOTECH. All rights Reserved
Design Thiet ke Web By Vihan